Những điều không nên nói với mẹ chồng nếu muốn giữ
- Home
- Những điều không nên nói với mẹ chồng nếu muốn giữ
Theo chuyên gia trị liệu hôn nhân và gia đình Sara M. Klein, cách tốt nhất để đối phó với những thành viên gia đình chồng có xu hướng kiểm soát, can thiệp là hãy giữ bình tĩnh và tiếp cận tình huống như thể bạn đang quay một bộ phim tài liệu.
Klein chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn với PureWow: "Tôi thường khuyên các nàng dâu hãy giữ thái độ như một người quan sát trung lập: chỉ nhìn, ghi nhận và không vội đưa ra phản ứng hay phán xét". Điều này giúp bạn giữ được lý trí và tránh bị cuốn vào cảm xúc tiêu cực.
Để giữ hòa khí trong hôn nhân, các chuyên gia khuyên nên kiềm chế và không đáp trả mẹ chồng. Ảnh minh họa
Ví dụ, nếu mẹ chồng phê phán truyền thống ngày lễ của bạn, thay vì tỏ thái độ hoặc đáp trả thẳng thừng, Klein gợi ý nên phản ứng nhẹ nhàng bằng cách nói: "Thật thú vị khi gia đình mình tổ chức ngày lễ theo cách này" hoặc "Gia đình mình có những nghi lễ mà con chưa từng được làm khi còn nhỏ".
Một tình huống khác thường gặp là khi mẹ chồng can thiệp quá sâu vào đời sống hôn nhân và bạn cảm thấy muốn nói: "Đó là việc của con". Tuy nhiên, theo Klein, câu nói ấy không chỉ vô ích mà còn làm hỏng cơ hội kết nối. Cách tiếp cận khôn ngoan hơn là chuyển từ "con" sang "chúng con": "Chúng con đã đưa ra quyết định về vấn đề này và sẽ cân nhắc".
Chủ đề nuôi dạy con cái cũng thường là nguyên nhân gây xung đột. Những câu như "Con không muốn mẹ cho cháu xem ti vi" có thể khiến cha mẹ chồng cảm thấy bị tấn công trực diện. Klein khuyến nghị cách nói vừa nhẹ nhàng vừa giữ lập trường: "Chúng con đang cố gắng hạn chế thời gian sử dụng màn hình khi bọn trẻ còn nhỏ. Điều đó phù hợp trong thời điểm này nhưng biết đâu khi chúng lớn hơn con sẽ thay đổi".
Không chỉ là những mâu thuẫn trong ứng xử thường ngày, căng thẳng giữa mẹ chồng và nàng dâu đôi khi còn có gốc rễ từ bản năng tiến hóa. Một nghiên cứu năm 2021 đăng trên tạp chí Khoa học tâm lý tiến hóa chỉ ra rằng 44% số người tham gia khảo sát cho biết họ có nhiều mâu thuẫn với mẹ chồng hơn mẹ ruột, đặc biệt xoay quanh chuyện tiền bạc và cách chăm sóc con cái. Các nhà nghiên cứu giải thích rằng mâu thuẫn này bắt nguồn từ sự khác biệt trong lợi ích và quan điểm nuôi dạy giữa các thế hệ. Ví dụ, mẹ chồng có thể muốn điều gì đó tốt cho "dòng họ" hoặc "phía gia đình mình", còn con dâu lại ưu tiên điều gì đó tốt nhất cho chính con mình. Giống như cách bố và mẹ đôi khi bất đồng trong cách chi tiền hay dạy con, mẹ chồng và con dâu cũng dễ va chạm khi không cùng hệ giá trị hoặc mục tiêu.
Tiến sĩ Terri Apter, nhà tâm lý học tại Đại học Cambridge và tác giả cuốn What Do You Want From Me?, cho rằng phần lớn mâu thuẫn giữa mẹ chồng và con dâu xuất phát từ việc cả hai đều cố khẳng định vị trí của "người phụ nữ chính" trong gia đình. "Mỗi bên đều muốn thiết lập hoặc bảo vệ địa vị của mình và cảm thấy bị đe dọa bởi sự hiện diện của người kia", Apter viết.
Dù bắt nguồn từ yếu tố nào, chuyên gia khuyên các nàng dâu hãy lựa chọn cách phản hồi thông minh, giữ được sự tôn trọng mà không mất đi chính kiến.
Phạm Linh (Theo NYPost)